Trang chủ / The life / Lối sống / Bảo trì căn nhà

Bảo trì căn nhà


  • Thay đổi thói quen mua sắm

    Mua sắm quá nhiều đồ đạc không có giá trị chính là nguyên nhân khiến ngôi nhà của bạn trở nên chật chội, bừa bãi. Vì thế, nếu bạn muốn duy trì trạng thái đơn giản hiện tại của ngôi nhà. Thì điểm mấu chốt là phải hạn chế việc mua sắm.

    Tránh đem về nhà những thứ mà bạn không cần bao giờ, sẽ tốt hơn là phải tốn thời gian và công sức để bỏ chúng đi về sau này. Hãy suy nghĩ và đặt câu hỏi “Tôi có thực sự cần món đồ này không?” trước khi quyết định mua một thứ gì đó.

    Trở thành người mua hàng thông thái. Đừng bị cám dỗ bởi các chiến thuật bán hàng hay áp lực bởi các chương trình khuyến mãi có giới hạn thời gian. Bạn không nên mua những thứ vì giảm giá, giá trị thực nằm ẩn sâu bên trong những nhu cầu thực sự của bạn.

  • Bảo trì hằng ngày

    Một món đồ để sai vị trí cuối cùng sẽ biến thành một đống đồ vứt bừa bãi. Nếu bạn để một phong bì thư trên bàn bếp, người khác sẽ cho rằng việc vứt chìa khóa lên đó là một chuyện hết sức bình thường. Một chiếc tủ ngăn kéo nhét đầy hóa đơn cuối cùng cũng sẽ trở thành nơi chứa đồ linh tinh. Một chiếc túi xách được vứt ở sảnh chẳng mấy chốc sẽ nằm cạnh mấy đôi giày. Một lon nước ngọt rỗng nằm trên bàn trang trí thường sẽ thu hút thêm vài chiếc vỏ kẹo và khăn giấy đã dùng…

    Khi bạn chăm chỉ dọn dẹp một căn phòng nào đó mỗi ngày (điều này không quá khó nếu bạn kiên trì), bạn sẽ ít có khả năng bị mất kiểm soát với căn phòng đó. Những không gian mà chưa tới hai đến ba ngày đã rơi vào tình trạng bừa bãi chính là những đối tượng cần được bảo trì hằng ngày.

     

    Dọn dẹp phòng ngủ

    Gấp chăn màn gọn gàng sau khi ngủ dậy, cất quần áo vào tủ và dọn dẹp mặt tủ ngăn kéo, dạy trẻ con tự dọn phòng riêng của mình.

     

    Xếp giấy tờ vào vị trí của chúng

    Giúp phòng làm việc luôn ngăn nắp bằng cách xử lý các loại giấy tờ khi chúng vừa xuất hiện. Bỏ những thư từ và sách báo không cần thiết vào thùng rác và xếp những giấy tờ quan trọng vào các bìa đựng hồ sơ.

     

    Cất đồ chơi về chỗ cũ

    Nếu ngoài phòng sinh hoạt chung, nhà bạn còn sở hữu một căn phòng vui chơi thì hãy giành khoảng 60 giây mỗi ngày để cất đồ chơi về chỗ của chúng. Hoặc tốt nhất là bạn nên tập cho trẻ thói quen tự cất đồ chơi vào chỗ cũ sau khi chơi xong.

     

    Sắp xếp sách vở trước khi đi ngủ

    Dạy trẻ con thói quen cất vở bài tập vào cặp sách trước khi đi ngủ để tránh phải cuống cuồng đi tìm sách vở sáng hôm sau.

     

    Dọn dẹp phòng khách và phòng sinh hoạt chung

    Đây là không gian được tất cả mọi người trong gia đình sử dụng thường xuyên. Vì thế, bạn nên dọn dẹp chúng vào cuối ngày.

     

    Cất các đồ điện tử ở nơi khuất tầm nhìn

    Hãy cất tất cả trò chơi điện tử, dây sạc và phụ kiện máy tính đã được sử dụng trong ngày vào ngăn kéo hoặc những nơi khuất tầm nhìn.

     

    Kiểm tra lối vào của căn nhà

    Trong những ngày mưa gió hay rét mướt, rất có thể bạn sẽ cần sắp xếp lại giày, ủng áo mưa và những thứ khác trong hiên hoặc sảnh của nhà mình. Thời tiết càng lạnh thì càng có nhiều trang phục để ở đây.

     

    Trả căn bếp về lại trạng thái ban đầu

    Rửa sạch bát đĩa ngay sau khi ăn xong và cất chúng về chỗ cũ. Tương tự, trả các dụng cụ nấu ăn không thuộc về bàn bếp như nồi, chảo, thìa, dao,…về vị trí của chúng. Thật tuyệt khi có thể lên giường đi ngủ và biết rằng ngày mai bạn sẽ có một căn bếp sạch sẽ để nấu bữa sáng.

     

    Cất những thứ bỏ quên trong phòng tắm

    Trong lúc vội vàng chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà vào mỗi sáng, chúng ta vội vàng để quên một số món đồ như lược, dụng cụ trang điểm, dao cạo râu hay máy sấy trong phòng tắm. Hãy giải quyết vấn đề đó khi bạn về nhà bằng cách để những vật dụng này về vị trí của chúng.

  • Bảo trì hàng tuần

    Những đồ đạc mới vẫn thường xuyên xuất hiện trong căn nhà của chúng ta. Chúng có thể đến từ trường học, các cửa hàng tạp hóa, những lần đi mua sắm, các cửa hàng trực tuyến, hay những dịp tặng quà… Nhưng do hầu hết chúng ta vẫn chưa có thói quen sàng lọc những món đồ này đều đặn, nên số lượng đồ đạc thường có xu hướng tăng dần lên.

     

    Đem rác đi vứt và tái chế

    Hãy tận dụng cơ hội này để tranh thủ gom những đồ đạc dư thừa trong toàn bộ ngôi nhà và bỏ đi.

     

    Giặt, phơi, gấp và cất quần áo

    Trong khi thực hiện những công việc này, đừng quên để ý những món đồ không bao giờ hoặc hiếm khi được mang đi giặt, bởi điều này có ý nghĩa là chúng không được mặc thường xuyên, và bạn nên loại bỏ chúng ra khỏi tủ đồ của mình.

     

    Dọn dẹp phòng tắm

    Phòng tắm của bạn có bất kỳ chai, lọ rỗng hay sản phẩm nào khác mà bạn có thể bỏ đi không? Gia đình bạn càng có nhiều người thì các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân sẽ càng nhanh hết.

  • Bảo trì hằng năm

    Mỗi mùa, mỗi bước ngoặt và mỗi dịp đặc biệt mà chúng ta trải qua trong năm đều là cơ hội để vứt bớt đồ đạc trong nhà. Hãy tận dụng những thời điểm này một cách sáng tạo để làm mới ngôi nhà của chính mình.

     

    Sau giáng sinh và các dịp sinh nhật

    Trong số những món đồ chơi và quà tặng mà bạn hoặc con bạn nhận được, có món đồ mới nào mà bạn muốn tặng lại cho người khác không? Ngoài ra, bạn có thể bỏ đi những món đồ cũ nào để nhường chỗ cho những thứ mà bạn quyết định giữ lại.

     

    Sau bất kỳ dịp lễ nào sử dụng đến đồ trang trí

    Bạn có nghĩ rằng đã đến lúc để bỏ một số đồ trang trí ngày lễ đi không? Hãy gỡ tất cả chúng xuống và cất gọn gàng những thứ mà bạn quyết định giữ lại.

     

    Sau khi thanh toán hóa đơn hằng tháng

    Những giấy tờ nào có thể được số hóa, xé bỏ hay vứt vào thùng rác tái chế.

     

    Dọn nhà vào mùa xuân

    Hãy tận dụng truyền thống dọn dẹp vào mùa xuân “Mùa tết”. Để tổng vệ sinh nhà cửa và loại bỏ tất cả những đồ đạc không cần thiết trong nhà của bạn.

     

    Bán đồ thanh lý hằng năm

    Bán đồ thanh lý là một việc làm tốn thời gian nhưng không thu được nhiều tiền, nhưng quan trọng nó giúp bạn dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và ai đó thiếu thốn hơn bạn có cơ hội sử dụng đồ mà bạn vốn không dùng nữa.

     

    Trước khi bắt đầu một năm học mới

    Thử kiểm tra quần áo, cặp sách và đồ dùng học tập của con bạn để xem trẻ cần thêm những thứ gì và bạn có thể bỏ đi những gì để giữ nguyên tổng số đồ đạc.

     

    Thời điểm chuyển mùa

    Đây là thời điểm mà bạn chuyển từ quần áo mỏng sang dày và ngược lại. Hãy tranh thủ thời điểm này để kiểm tra tủ đồ của gia đình và loại bỏ những món đồ đã quá rộng, quá chật, những món đồ không bao giờ được mặc, hay chỉ đơn giản là những thứ mà bạn hay các thành viên trong gia đình không muốn mặc nữa.

  • Bảo trì mỗi giai đoạn cuộc đời

    Tất cả chúng ta đều trải qua những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời, Mặc dù không phải ai cũng trải qua giai đoạn giống nhau, tại cùng một thời điểm hay theo cùng một thứ tự. Tuy vậy có một quan điểm chung là, trong mỗi giai đoạn, do hoàn cảnh sống của chúng ta thay đổi nên những câu trả lời cho câu hỏi “Tôi có cần món đồ này không?” cũng sẽ thay đổi. Bạn có thể sẽ cần tái điều chỉnh lại cách sống của bản thân và đơn giản hóa căn nhà. Mỗi lần như vậy bạn sẽ nhận được lợi ích mới từ cuộc sống mới, lối sống mới. Những lợi ích sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn giai đoạn hiện tại của cuộc đời.

     

    Bạn vừa tốt nghiệp đại học và chuẩn bị đi làm?

    Tiền lương từ một công việc toàn thời gian có thể sẽ khiến bạn phấn khích và muốn đi mua sắm ngay lập tức. Giờ là lúc để bạn rèn luyện thói quen suy nghĩ cẩn thận trước khi mua bất cứ thứ gì, sử dụng được những món đồ chất lượng và sử dụng được lâu dài, cũng như cách học cách giữ gìn và trân trọng đồ đạc của mình.

     

    Bạn sắp kết hôn?

    Hãy tính toán kỹ lưỡng và chỉ chọn những món đồ mà bạn thật sự cần để đưa vào danh sách mua sắm. Ngoài ra, rất có thể sau khi hai người gộp chung đồ đạc, bạn sẽ phải bỏ đi rất nhiều những món đồ trùng lặp. Hãy cùng vợ/chồng của mình xây dựng triết lý sống đơn giản hơn sau khi kết hôn.

     

    Gia đình sắp chào đón một thành viên mới?

    Đừng giữ tâm lý “Mình cần tất cả những thứ này” khi đi mua sắm các dụng cụ chăm sóc trẻ sơ sinh. Hãy lập một danh sách và cân nhắc kỹ trước khi mua hay gợi ý mọi người tặng bạn bất cứ món đồ gì. Thiết kế một phòng ngủ đơn giản dành riêng cho em bé, nơi bạn có thể dành nhiều thời gian hơn ở bên con và ít thời gian hơn để dọn dẹp, lau chùi đồ đạc của con. Đây là cơ hội để bạn bắt đầu thiết lập những thói quen nuôi dạy con cái theo phong cách cá nhân, đơn giản mà bạn sẽ tiếp tục xây dựng trong nhiều năm tới.

     

    Các con cũng sắp bước sang một giai đoạn phát triển mới?

    Từ trẻ sơ sinh đến lúc chập chững biết đi, cho tới lúc mẫu giáo, lên lớp 1, bắt đầu dậy thì và bước sang tuổi trưởng thành, con bạn sẽ trải qua giai đoạn chuyển tiếp nhanh hơn rất nhiều. Tất nhiên sẽ cần quần áo và đồ chơi khi lớn lên, nhưng mỗi lần sắm đồ cho trẻ, bạn nên hạn chế mua quá nhiều đồ và đừng quên bỏ bớt những món đồ cũ từ giai đoạn phát triển trước của trẻ. Khi trẻ sắp bước sang một giai đoạn mới, hãy cùng trẻ xem xét và điều chỉnh lại các giới hạn, đồng thời giúp trẻ chủ động và tự giác hơn trong việc cùng người lớn duy trì trạng thái sẵn sàng của căn nhà.

     

    Bạn sắp có một công việc mới, sắp thất nghiệp chuẩn bị chuyển sang một ngành nghề khác hoặc sắp bắt đầu một công việc kinh doanh?

    Có lẽ bạn nên bỏ đi một số dụng cụ hoặc quần áo đi làm cũ để dọn chỗ cho những món đồ mới mà bạn sắp sửa đem về nhà. Có lẽ bạn nên cân nhắc loại bỏ hoặc thay thế một số đồ dùng văn phòng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bán bớt một số đồ đạc cũ để kiếm thêm một khoản tiền mặt.

     

    Các con quyết định chuyển ra ở riêng?

    Bạn vừa ly hôn? vợ/ chồng của bạn vừa qua đời? Khi một người thân không còn chung sống với chúng ta, chắc chắn cảm giác đau buồn và mất mát là không thể tránh khỏi. Nhưng khi bạn đã vượt qua được nỗi buồn và thích nghi được với cuộc sống mới, hãy tập hợp tất cả những món đồ đạc mà họ để lại trong nhà, chọn ra một vài món giữ làm kỷ niệm và chia tay những món đồ còn lại.

     

    Một người thân chuẩn bị dọn về sống chung với bạn?

    Ngày nay, có vẻ như việc các thanh niên đã đến tuổi trưởng thành chuyển về sống cùng cha mẹ trong lúc gây dựng sự nghiệp, hay việc con cái đón cha mẹ lớn tuổi về ở cùng để tiện chăm sóc đang ngày càng trở nên phổ biến. Nếu con bạn đã dọn ra ở riêng nhưng vì một lý do nào đó lại sắp sửa dọn về sống chung với bạn, hãy giao hẹn với con về những quy tắc đơn giản mới trong nhà và đặt ra một vài giới hạn đối với những đồ đạc mà con bạn có thể mang về.

     

    Bạn sắp về hưu?

    Bạn có thể bỏ những bộ trang phục mặc đi làm của mình không? Còn các món đồ phục vụ cho những sở thích lúc rảnh rỗi của bạn thì sao? Bạn có thể tìm cách giảm bớt khối lượng công việc trong nhà không? Hãy tận hưởng tối đa khoảng thời gian nghỉ hưu của bạn bằng cách dành ít thời gian hơn cho căn nhà và nhiều thời gian hơn cho các hoạt động đem lại cho bạn sức khỏe và niềm vui. Di sản quý giá nhất của bạn không phải là những đồ đạc mà bạn để lại mà là những việc tốt mà bạn làm, những mối quan hệ mà bạn xây dựng, và những kỷ niệm mà bạn để lại cho mọi người.